Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư tại Việt Nam. Chính vì thế, việc trang bị kiến thức về căn bệnh này để biết cách phòng tránh và nhận biết sớm các triệu chứng là rất quan trọng. Cùng hiểu sâu hơn về căn bệnh ung thư này trong bài viết sau đây!
Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi (K phổi) hay còn gọi là ung thư phế quản, đây là một khối u ác tính phát triển từ các biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc phát triển từ các tuyến của phế nang.
Trên thế giới, hiện nay ung thư phế quản đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỷ lệ mắc mới lẫn tỷ lệ tử vong. Ở nước ta, ung thư phế quản xếp vị trí thứ II chỉ sau ung thư gan, với khoảng 23.600 người phát hiện mắc mới & 20.700 người tử vong mỗi năm.
Các bác sĩ chia u phổi ác tính (đường hô hấp) thành 2 loại chính dựa trên sự xuất hiện của các tế bào khối u dưới kính hiển vi Đó là:
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC): chiếm 80%– 85% tổng số trường hợp mắc bệnh. Đây là thuật ngữ chung chỉ 1 số loại u phổi ác tính.
- Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC): chiếm 15% – 20% các trường hợp. Loại này hầu như chỉ xảy ra ở người nghiện thuốc lá nặng & ít phổ biến hơn so với K không tế bào nhỏ.

Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi
Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư phế quản cho người bệnh là hút thuốc lá, yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ hoặc amiăng,…
- Thuốc lá, thuốc lào: K phổi được gây ra bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ, trong đó 80% – 90% nguyên nhân có liên quan đến thuốc lá, thuốc lào.
- Tia xạ: Những người tiếp xúc, phơi nhiễm phóng xạ thì làm tăng nguy cơ mắc ung thư phế quản hơn những người chưa từng tiếp xúc.
- Yếu tố nghề nghiệp: Các yếu tố môi trường nghề nghiệp như kim loại (asen, crom, niken), amiang, radon, bức xạ ion hoá & hydrocarbon thơm đa vòng cũng làm tăng nguy cơ gây mắc loại ung thư này.
- Bệnh xơ phổi: Các nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ ung thư phổi tăng lên khoảng 7 lần ở những bệnh nhân xơ phổi và nhường như không phụ thuộc vào việc sử dụng thuốc lá.
- Nhiễm HIV: Tỷ lệ mắc u phổi ác tính ở những bệnh nhân nhiễm HIV tăng so với bệnh nhân không bị nhiễm.
- Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến nguy cơ và tiên lượng bệnh K phổi. Mặc dù yếu tố này vẫn còn đang được nghiên cứu.
- Lạm dụng bia rượu: những đối tượng uống rượu bia, kèm theo hút thuốc thì nguy cơ mắc căn bệnh này càng cao.
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống có chứa các chất chống oxy hoá, phytoestrogen, rau cải,… có thể làm giảm nguy cơ mắc u phổi ác tính, tuy nhiên chưa được chứng minh rõ ràng.

Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư phổi
Dấu hiệu sớm của K phổi rất ít xuất hiện. Và cũng không có xét nghiệm sàng lọc nào có thể phát hiện nó ở giai đoạn đầu. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán khi ung thư đã tiến triển và lan rộng trong cơ thể. Vì thế, những người có nguy cơ mắc ung thư phế quản cao (đã & đang hút thuốc) được khuyến khích đi chụp CT phổi liều thấp để sàng lọc.
Ở giai đoạn sớm, bệnh it có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn hơn, có thể có các triệu chứng sau:
- Ho khan, ho máu, ho ra đờm
- Đau ngực
- Khó thở
- Khàn tiếng
- Đau đầu (khi di căn tới não) hoặc phù mặt, phù cổ và tay (khi tĩnh mạch lớn tại ngực bị chèn ép)
Nếu khối u ở đỉnh phổi, có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
- Đau ở tay, cổ, vai
- Sụp mí mắt, nhìn mờ
- Nửa mặt bị đỏ
- Yếu hoặc liệt tay
Mặc dù hầu hết những người được chẩn đoán mắc K phổi không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu trước khi di căn, nhưng ở một số người vẫn có thể nhận thấy. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những triệu chứng này còn có thể liên quan đến những bệnh khác chứ không chỉ là dấu hiệu riêng của ung thư phế quản.
Nếu bạn có các triệu chứng trên, hãy đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để bác sỹ chuyên môn khám và tư vấn bệnh.

Ung thư phổi gồm những giai đoạn nào?
Dựa vào loại ung thư phổi, các bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá giai đoạn lâm sàng để xác định ung thư mới chỉ khu trú (giới hạn) hay đã lan tới các bộ phận khác của cơ thể. Điều quan trọng là cần hiểu được sự khác biệt giữa những giai đoạn khác nhau của K phổi.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ
4 giai đoạn của K phổi không tế bào nhỏ gồm:
- Giai đoạn 1: Tế bào ung thư tìm thấy trong phổi, nhưng chúng chưa lan ra ngoài;
- Giai đoạn 2: Tế bào xuất hiện ở phổi & các hạch bạch huyết lân cận;
- Giai đoạn 3: Tế bào tìm thấy trong phổi & các hạch bạch huyết ở giữa ngực:
- Giai đoạn 3A: Tế bào ung thư xuất hiện ở các hạch bạch huyết, nhưng chỉ ở cùng bên ngực nơi các tế bào ác tính đầu tiên xuất hiện;
- Giai đoạn 3B: Ung thư lan sang hạch bạch huyết ở bên ngực đối diện, hoặc lan tới các hạch bạch huyết trên xương đòn.
- Giai đoạn 4: Ung thư phế quản giai đoạn cuối lan rộng cả 2 lá phổi, sang khu vực xung quanh vị trí này hoặc đi đến các cơ quan ở xa.

Ung thư phổi tế bào nhỏ
Trong khi đó, K tế bào nhỏ có 02 giai đoạn chính:
- Giai đoạn hạn chế: Tế bào ung thư xuất hiện chỉ ở 1 bên phổi hoặc ở các hạch bạch huyết lân cận ở cùng bên ngực.
- Giai đoạn mở rộng: khối u ác tính đã lan rộng tới:
- Khắp một lá phổi;
- Đến phổi đối diện;
- Đến các hạch bạch huyết nằm phía đối diện;
- Lan ra chất lỏng quanh phổi;
- Đến tủy xương;
- Đến các cơ quan ở xa.
Thống kê cho thấy tại thời điểm chẩn đoán bệnh, 2 trong số 3 người mắc ung thư tế bào nhỏ đều đã ở giai đoạn mở rộng.
Phương pháp điều trị ung thư phổi
Tùy thuộc vào giai đoạn cũng như mức độ lan rộng của u phổi ác tính, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị được thiết kế riêng nhằm kiểm soát và xử trí các triệu chứng. Phác đồ điều trị có thể bao gồm 1 hoặc kết hợp nhiều phương pháp sau:
Phẫu thuật
- Phẫu thuật cắt thùy phổi: Cắt bỏ 1 phần phổi (cắt toàn bộ thùy)
- Phẫu thuật cắt hình chêm: Cắt bỏ 1 phần thùy phổi
- Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ phổi
Xạ trị
Xạ trị tiêu diệt hoặc thu nhỏ lại các u phổi ác tính bằng cách chiếu tập trung các tia năng lượng cao vào các tế bào ung thư. Phương pháp này sẽ phá hủy các phân tử tế bào cấu tạo nên tế bào ung thư & làm chết tế bào.
Hóa trị
Hóa trị là sử dụng các chất hóa học mạnh có tác dụng cản trở đến quá trình phân chia tế bào, dẫn đến làm chết tế bào. Phương pháp điều trị này nhắm đến mọi tế bào phân chia nhanh chứ không chỉ riêng tế bào ung thư. Thuốc sẽ di chuyển trong cơ thể bệnh nhân và tiêu diệt cả tế bào u ban đầu cũng như các tế bào ung thư đã lan rộng khắp cơ thể.
Liệu pháp nhắm đích
Liệu pháp nhắm đích sử dụng những loại thuốc “đặc hiệu” để ngăn chặn sự phát triển, lan rộng của tế bào ung thư. Liệu pháp này thiết kế để chỉ điều trị các tế bào ung thư mà không gây ảnh hưởng đến các tế bào phổi bình thường khác.
Lời kết
Trên đây là các thông tin về bệnh ung thư phổi (u phổi ác tính). Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, nhưng vẫn có khả năng chữa khỏi được nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn khôi u chưa phát triển mạnh và lan rộng. Tốt nhất nên kiểm tra sức khỏe tổng quát thường xuyên hoặc tầm soát khối u ác tính để phòng ngừa căn bệnh quái ác này.